Xem nhanh
Sự cố kẹt chân ga luôn là cơn ác mộng của mọi người khi tham gia giao thông. Vậy đâu là nguyên nhân kẹt chân ga? Cách xử lý nào an toàn nhất cho tình trạng này? Bài viết dưới đây sẽ hé lộ cho bạn những cách xử lý an toàn và đơn giản nhất, hãy cùng tham khảo nhé!
1. 5 nguyên nhân gây kẹt chân ga khi lái xe
Việc kẹt chân ga có thể khiến chiếc xe rơi vào tình trạng mất kiểm soát, từ đó dẫn đến những sự cố đáng tiếc. Dưới đây là 5 nguyên nhân gây kẹt chân ga phổ biến nhất khi lái xe mà chúng tôi đã tổng hợp!
– Thảm lót sàn bị cong, cuộn
Phần vạt thảm thường được ốp không cố định bên hông khoang xe làm cho tấm thảm trở thành vật cản khi chủ xe vận hành. Cụ thể, khi chủ lái xe nhả chân ra để giảm tốc độ, thảm lót sàn dễ bị cong, cuộn lại, thay đổi trạng thái ban đầu. Do đó, chúng rất dễ làm cho chân ga bị kẹt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng này thường gặp phải ở các loại thảm 5D, 6D có độ dày lớn và khả năng bám sàn kém.
– Đi giày cao gót
Giữa phần gót và phần trước giày có một khoảng trống nhất định, điều này khiến cho người đi giày cao gót mất đi cảm nhận về lực tác động lên bàn đạp phanh. Do vậy, rất khó để người lái phân bổ được lực cần thiết ở khu vực này. Ngoài ra, diện tích của gót giày là cực kỳ nhỏ, nhọn, độ bám cực thấp, nên việc đạp trượt phanh hay nhấn nhầm chân ga, mắc kẹt ở thảm hoặc phanh là thường xuyên xảy ra.
– Có dị vật dưới chân ga
Nhìn chung, dị vật đó có thể mắc kẹt những chỗ dưới chân ga mà chúng ta khó quan sát thông thường. Do vậy, khi tài xế vận hành xe, đến lúc đạp chân ga, dị vật đó sẽ chắn chân đạp lại, khiến việc điều khiển chân ga là bất khả kháng đối với họ. Như người viết có một lần đi bảo dưỡng tại gara, thợ vô ý làm nổ quả bóng bay của cháu nhà tôi và phần que đỡ bóng bay lăn xuống kẹt dưới chân ga. Sau đó ra đường mà không thể tăng tốc được.
– Lò xo đàn hồi của chân ga bị lỗi
Đây là hiện tượng khi người lái giẫm phanh cực mạnh nhưng xe vẫn không giảm tốc độ. Chân ga trở nên trơ lì, đặc biệt nếu như người tham gia giao thông không biết trước thì việc này dễ làm cho họ rơi vào thế kẹt chân ga.
– Phần mềm điều khiển gặp lỗi
Lỗi phần mềm và những sai sót về kỹ thuật của xe khiến xe bị kẹt chân ga, làm cho người điều khiển xe không thể chủ động điều chỉnh tốc độ của xe và phanh xe. Điều này khiến cho chủ xe luôn đối diện với những tai nạn khó lường. Tuy nhiên, tình trạng này là rất hiếm gặp.
2. Các bước xử lý khi gặp kẹt chân ga
Việc kẹt chân ga nếu không kịp thời xử lý đúng cách sẽ gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Vậy các bước xử lý khi gặp kẹt chân ga đúng cách là như thế nào?
- Bước 1. Giữ bình tĩnh
Tài xế phải xác định rằng việc kẹt chân ga hoàn toàn có thể xử lý được mà không gây nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, chủ xe phải thật bình tĩnh để thực hiện các thao tác tiếp theo.
- Bước 2. Bật đèn báo khẩn cấp
Bật đèn báo sẽ giúp cho người đi đường biết xe đang có vấn đề để tránh, sau đó bật xi nhan để di chuyển vào lề đường để tránh va chạm.
- Bước 3. Tuyệt đối không được tắt máy
Hành động này sẽ khiến hệ thống lái bị vô hiệu hóa, tay lái bị cứng đi khi ga bị kẹt, do đó việc điều khiển xe càng trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, khi chạy với tốc độ cao, việc điều khiển xe cũng trở nên cực kỳ nguy hiểm hơn.
- Bước 4. Không được phép thực hiện kéo tay phanh
Nhìn chung, phanh tay chỉ có tác dụng giúp xe đứng yên khi xe không còn hoạt động. Việc kéo tay phanh khi xe bị kẹt chân ga vừa không có tác dụng, vừa làm cho bánh sau xe bị khoá, càng làm xe dễ mất kiểm soát và trượt đi.
- Bước 5. Dùng mũi chân để nâng bàn đạp ga
Nên dùng mũi chân phải để nâng bàn đạp ga, tuyệt đối không dùng chân trái vì độ vướng víu của nó. Ngoài ra, nên sử dụng chân trái để đạp côn nếu các cách khác không còn tác dụng.
- Bước 6. Tiến hành đạp phanh xe
Dùng hết sức để đạp phanh xe và chú ý lực đạp phải đều, nếu nhả liên tục sẽ làm cho trợ lực của phanh vô tác dụng. Với xe số sàn, lái xe cần đạp lút côn để động cơ không bị truyền động xuống bánh. Với loại xe số, chỉ cần đạp và giữ chân phanh thật đều.
- Bước 7. Đưa xe về số mo (N)
Khi đã đạp xong chân phanh, chủ xe cần ngắt truyền động của xe bằng cách đưa xe về N.
- Bước 8. Nhanh chóng gọi cứu hộ
Lúc này, sự cố kẹt chân ga về cơ bản đã không còn nguy hiểm. Tài xế có thể ra khỏi xe và gọi trợ giúp từ cứu hộ, tuy nhiên không được tự ý khởi động lại xe.
3. Cách phòng tránh
- Chủ phương tiện cần thường xuyên bảo dưỡng xe ô tô, đồng thời kiểm tra độ đàn hồi của chân ga trước khi tham gia giao thông.
- Vệ sinh sạch sẽ buồng lái, loại bỏ tuyệt đối các dị vật ở trên xe, đặc biệt ở gần khu vực buồng lái và chân ga.
- Cần cố định các miếng lót sàn cẩn thận và chắc chắn, đảm bảo chúng không bị dịch chuyển, cong trong quá trình xe di chuyển. Nên sử dụng các loại thảm lót sàn cao su có độ bám tốt và ít bị vênh khi sử dụng.
- Chủ xe có thể trang bị thêm bướm ga thông minh. Lúc chân ga và chân phanh hoạt động cùng lúc, hệ thống sẽ ưu tiên phanh mà tự tắt hoạt động của chân ga đi.
Kết luận
Trên đây là tổng hợp thông tin của chúng tôi về kẹt chân ga và cách xử lý an toàn, đơn giản nhất. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích nhất, từ đó mọi người có thể bình tĩnh kiểm soát được sự cố trên, đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình nhé!